Chương trình OCOP được xem là “cánh cửa” mở để phát triển nông nghiệp, nông thôn. Bởi OCOP không phải là chương trình “trao cơm”, mà là “tạo cần câu cơm” cho nông dân. Chính vì vậy, chủ thể sẽ quyết định lựa chọn đối tượng sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, liên kết với doanh nghiệp để phát triển thành sản phẩm hàng hóa.
|
Mặc dù có thương hiệu, nhưng sản phẩm "hành Lý Sơn" vẫn chưa nâng cao giá trị, nên tính cạnh tranh thấp. |
Tuy nhiên, hiện nay ở nhiều địa phương trong tỉnh chưa có nhiều sản phẩm được quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn hạn chế, chủ yếu là sản xuất thủ công. Bên cạnh đó, chính quyền một số địa phương chưa hiểu đúng nội dung và ý nghĩa của chương trình OCOP.
Vì vậy, việc hướng dẫn thành lập HTX và doanh nghiệp (DN) cộng đồng; lập phương án sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư hay quy trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch... cũng như xác định, lựa chọn và hỗ trợ tiếp thị tiêu thụ sản phẩm cho DN, HTX còn lúng túng. Thậm chí, chính quyền cơ sở còn cho rằng, chính sách hỗ trợ chương trình OCOP chậm triển khai, nguồn vốn thực hiện lớn, nên cần được ngân sách tiếp sức!
Tuy nhiên, “OCOP không phải là chương trình riêng biệt, mà nó là nơi hội tụ của các chính sách. Vì vậy, nguồn vốn thực hiện OCOP được lồng ghép từ các chương trình nông thôn mới, giảm nghèo, liên kết chuỗi sản xuất... Nhà nước chỉ định hướng và hỗ trợ về mặt cơ chế, hành lang pháp lý, quảng bá và xúc tiến đầu tư, tiêu thụ sản phẩm...”, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT) Ngô Văn Hưng cho biết.
Bên cạnh đó, trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương (cấp xã, huyện) theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (DN, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Vì thế, kết quả của chương trình OCOP phụ thuộc hoàn toàn vào chủ thể và chính quyền cơ sở trong việc lựa chọn sản phẩm, liên kết DN cũng như vận dụng các nguồn lực đầu tư... để phát triển tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có và lựa chọn những sản phẩm độc đáo xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị gia tăng và thu nhập cho người dân.
Theo kế hoạch tổng năm 2019, các địa phương trong tỉnh sẽ thực hiện tiêu chuẩn hoá các sản phẩm đã đăng ký và đẩy mạnh sản xuất, để sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường. Từ đó tiến tới tổ chức thi sản phẩm cấp huyện, cấp tỉnh và đưa chương trình OCOP vào hợp tác du lịch.
Để hoàn thành những mục tiêu trên, các địa phương cần điều tra, khảo sát đầy đủ và chính xác các sản phẩm thế mạnh; ưu tiên lựa chọn sản phẩm chủ lực gắn với DN, HTX để triển khai mô hình thí điểm; hướng dẫn các đơn vị, cá nhân, DN, địa phương trong việc xác lập và thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, các ngành, địa phương tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn triển khai hoạt động đăng ký và tư vấn sản phẩm đến người dân, DN, để lựa chọn và nâng cấp sản phẩm theo chuỗi giá trị cao.
Theo Báo Quảng Ngãi