Chi bộ Trung tâm Công tác xã hội sinh hoạt Chuyên đề quý II năm 2024.

01/07/2024 03:15:41 PM         

Thực hiện Kế hoạch số 11-KH/CBTTCTXH ngày 08/3/2024 của Chi bộ Trung tâm Công tác xã hội về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Theo đó, chiều ngày 25/6/2024, Chi bộ tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề quí II năm 2024 với chủ điểm: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng nền hành chính nhà nước”.

Tham dự sinh hoạt chuyên đề, có đồng chí Nguyễn Thu Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bí thư Chi bộ - Chủ trì buổi sinh hoạt chuyên đề và cùng toàn thể Đảng viên, viên chức và người lao động Trung tâm Công tác xã hội.  

Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Nguyễn Thu Trang, Bí thư Chi bộ đã giới thiệu những nội dung cơ bản của chuyên đề về xây dựng nền hành chính nhà nước.

 

Đồng chí Nguyễn Thu Trang, Bí thư Chi bộ giới thiệu những nội dung cơ bản của chuyên đề

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam tiếp tục đặt ra yêu cầu nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh để định hình một nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, phục vụ nhân dân.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền hành chính quốc gia

Một là, xây dựng nền hành chính hợp hiến, hợp pháp

Nhà nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến là nhà nước của dân, do dân và vì dân; mang bản chất giai cấp công nhân, mang tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc; tổ chức và hoạt động dựa trên nguyên tắc pháp quyền. Do vậy, nền hành chính nhà nước phải phù hợp với bản chất của nhà nước, của chế độ chính trị do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, gắn bó với quần chúng nhân dân, phục vụ nhân dân và lấy lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc làm cơ bản.

Bản Hiến pháp năm 1946 - Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - được Quốc hội thông qua với sự đồng thuận gần như tuyệt đối của các đại biểu (240/242 phiếu). Hiến pháp năm 1946 khẳng định tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, chế định bản chất cách mạng, tính dân chủ, nhân dân và pháp quyền thành những điều khoản cụ thể. Đây chính là quá trình hiện thực hóa, pháp chế hóa, thể hiện tính ưu việt của một chế độ mới luôn mưu cầu quyền lợi, hạnh phúc cho nhân dân.

Hai là, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân

Lấy mục tiêu phục vụ nhân dân làm mục tiêu cao nhất khi thiết kế nền hành chính nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “1- Làm cho dân có ăn; 2- Làm cho dân có mặc; 3- Làm cho dân có chỗ ở; 4- Làm cho dân có học hành”. Đây cũng chính là ham muốn tột bậc của Người, rằng: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”. Do vậy, nền hành chính nhà nước phải vì: “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”. Đây là cơ sở để hướng mọi nỗ lực của các cơ quan hành chính vào phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Ngày 3-6-1955, tại Hội nghị sản xuất cứu đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra trách nhiệm của Đảng và Chính phủ trước nhân dân: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”. Điều đó có nghĩa là Đảng và Chính phủ không chỉ lo những vấn đề lớn, mà còn cả những vấn đề thiết thực đối với nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nền hành chính phục vụ, do dân và vì dân; công chức hành chính là đầy tớ của dân.

Ba là, xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Xây dựng nền hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ rất quan trọng trong xây dựng nhà nước theo nguyên tắc pháp quyền. Đây cũng là đòi hỏi khách quan của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững của đất nước.

Trong quá trình xây dựng nền hành chính nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết chống lại các tiêu cực nhằm xây dựng một nền hành chính trong sạch, liêm chính, tinh gọn và hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thể hiện bản chất nhà nước kiểu mới, vì lợi ích quốc gia - dân tộc, ra sức phục vụ nhân dân.

Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ

Bác Hồ đã nói: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.

Do đó, việc xây dựng đội ngũ cán bộ ý nghĩa quyết định tới sự thành bại của cách mạng Việt Nam.

Về chất lượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: 

+ Thứ nhất, cán bộ phải tuyệt đối trung thành với cách mạng, với Tổ quốc. do vậy, mỗi cán bộ phải nhận thức và hành động theo phương châm: “Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”.

+ Thứ hai, cán bộ phải có năng lực chuyên môn, năng lực lãnh đạo. 

Ngày 20-5-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76-SL, ban hành Quy chế công chức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

+ Thứ ba, cán bộ phải là người dám phụ trách, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm. 

+Thứ tư, cán bộ phải thường xuyên tự phê bình và phê bình, luôn có ý thức và hành động vì sự trong sạch, vững mạnh của nhà nước, của nền công vụ. 

Phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề, đồng chí Nguyễn Thu Trang, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Bí thư Chi bộ đánh giá cao các ý kiến thảo luận hết sức sôi nổi, nhiệt tình và đầy trách nhiệm, sát với thực tế công việc và đúng trọng tâm của chủ điểm: “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng nền hành chính nhà nước”. Mỗi đồng chí cần thường xuyên phát huy tinh thần tự phê bình và phê bình; nêu cao vai trò, tính nêu gương của đảng viên; tự tu dưỡng, trao dồi lý luận chính trị; cần, kiệm, liêm, chính; phải có tinh thần trách nhiệm cao với công việc; chấp hành nghiêm kỷ luật và có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ; có ý chí cầu tiến bộ, luôn luôn phấn đấu trong công việc; có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Kết thúc buổi sinh hoạt, đồng chí Nguyễn Thu Trang, Bí thư Chi bộ yêu cầu cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy cao độ ý thức trách nhiệm và tính tiên phong gương mẫu; đồng thời giao nhiệm vụ cho mỗi cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới./.

                                                                                                             Kim Chi