Quảng Ngãi: Hội thảo ''Công tác xã hội -Nghề tôi yêu''

24/03/2023 09:30:51 AM         

Sáng 23/3/2023, Trung tâm công tác Xã hội tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức hội thảo nhân Ngày Công tác xã hội Việt Nam 25/3 chủ đề: ''Công tác xã hội - Nghề tôi yêu''.

 

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Dũng, PGĐ Sở LĐ-TB&XH chia sẻ: "Công tác xã hội là hoạt động nhằm trợ giúp cá nhân, gia đình và nhóm xã hội - cộng đồng tăng cường hoặc khôi phục các chức năng xã hội, tạo điều kiện cho đối tượng vận dụng các nguồn lực, tiềm năng, thúc đẩy sự thay đổi bản thân, giải quyết vấn đề trong mối quan hệ của con người, tăng năng lực và giải phóng người dân nhằm giúp cuộc sống của họ ngày càng ấm no, tiến bộ.

Công tác xã hội vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và hệ thống xã hội, tương tác vào những điểm giữa con người với môi trường xã hội, tạo sự công bằng trong xã hội với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”".

Văn nghệ chào mừng hội thảo do các cháu nhỏ được nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi biểu diễn.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, PGĐ Sở LĐ-TB&XH phát biểu khai mạc hội thảo.

Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, Phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 - 2020; Việc Đề án 32 được phê duyệt đã chính thức công nhận một ngành nghề mới ở Việt Nam - nghề Công tác xã hội. Mục tiêu là Đề án 32 là phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam. Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

Gắn với đề án 32, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định số 513/QĐ-UBND ngày 6/4/2011 về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội ở tỉnh giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây là kế hoạch tổng thể về một chặng đường dài hình thành và phát triển nghề công tác xã hội của tỉnh nhà, như: Cơ chế, chính sách, nguồn lực, cũng như việc đào tạo, tập huấn, sắp xếp bố trí cho cán bộ và nhân viên công tác xã hội tại các địa bàn toàn tỉnh.

"Giai đoạn 10 năm (2010 - 2020) phát triển nghề công tác xã hội, với chức năng, nhiệm vụ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Quảng Ngãi đã chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể của tỉnh xây dựng, củng cố, hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên xã hội, những người làm công tác xã hội trên địa bàn tỉnh về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng thực hành công tác xã hội. Nhìn chung hệ thống công tác xã hội của tỉnh đã đảm đương được những nhiệm vụ trợ giúp khẩn cấp và trợ giúp theo nhu cầu của đối tượng", ông Nguyễn Hữu Dũng cho biết.

Ông Nguyễn Thu Trang-GĐ Trung tâm CTXH nêu tham luận tại Hội thảo.

Ông Nguyễn Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ngãi nêu mục tiêu từ năm 2021 đến 2030, theo đó: "Đẩy mạnh phát triển công tác xã hội tại các ngành, các địa phương, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn; đảm bảo nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, nâng cao chất lượng dịch vụ công tác xã hội trên các lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ công tác xã hội của người dân, hướng tới mục tiêu phát triển xã hội công bằng và hiệu quả.

Đạt cơ cấu tối thiểu 50% số cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục và cơ sở liên quan khác trong quy hoạch có cung cấp dịch vụ công tác xã hội; tỷ lệ người có hoàn cảnh khó khăn được tư vấn, hỗ trợ công tác xã hội năm 2025 tăng 20% so với năm 2020.

Bảo đảm ít nhất 90% trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, bị bỏ rơi, trẻ em nhiễm HIV/AIDS, nạn nhân chất độc hóa học, trẻ em khuyết tật nặng và bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp xã hội và được cung cấp dịch vụ công tác xã hội phù hợp từ nguồn lực xã hội hóa.

Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và tập huấn kỹ năng cho 100% số cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và các ngành liên quan.

Tại hội thảo, nhiều tham luận có ý nghĩa được chia sẻ nhằm nêu ra những đặc điểm, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc thực hành các phương pháp công tác xã hội, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất (có thể) để cho thân chủ phát huy thế mạnh tự vương lên, tự tin, tự lực xây dựng cuộc sống, qua đó, tôn vinh những giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân và khẳng định được vị thế của nghề công tác xã hội trong sự phát triển chung của tỉnh Quảng Ngãi.

            Theo Baodansinh.vn