Sản phẩm nông sản địa phương: ''''Cất cánh'''' cùng nông thôn mới
Ngày đưa:  03/09/2019 09:59:21 AM In bài
Cùng với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, thì Chương trình ''''mỗi xã một sản phẩm'''' (OCOP) được xem là động lực quan trọng, để các sản phẩm nông sản trên địa bàn huyện Nghĩa Hành “cất cánh”...

 Nhiều tiềm năng


Bánh tráng, cây cảnh, chổi đót, cây ăn quả... được xem là những "đặc sản" của huyện Nghĩa Hành. Đặc biệt là các loại cây ăn quả, như: Chuối ngự, bưởi da xanh, chôm chôm, sầu riêng Nghĩa Hành được thị trường trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, nên việc tiêu thụ khá thuận lợi và giá bán ổn định ở mức cao. “Bưởi da xanh “ưa” đất và khí hậu Nghĩa Hành nên ngọt và thơm, được thương lái vào tận vườn để đặt hàng và thu mua với giá 40 - 45 nghìn đồng/kg, vì thế tôi không phải lo đầu ra”, ông Trần An, thôn Hiệp Phổ Tây (Hành Trung) cho biết.
Xác định tiềm năng của cây ăn quả, năm 2016, ông An mạnh dạn cải tạo hàng chục nghìn mét vuông đất vườn tạp, để trồng bưởi da xanh và một số loại cây ăn quả khác. Sau 4 năm chăm sóc, 54 gốc bưởi nhà ông An bắt đầu cho quả, giá trị kinh tế cao gấp 2 - 3 lần so với trước.
Chôm chôm là một trong bốn sản phẩm trái cây được huyện Nghĩa Hành chọn xây dựng nhãn hiệu. Ảnh: Trung Ân
Trong khi đó, bánh tráng mỏng cũng là sản phẩm nức tiếng của người dân xã Hành Trung (Nghĩa Hành). Không chỉ phủ khắp thị trường trong tỉnh, bánh tráng mỏng Hành Trung còn có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Vì vậy, tuy chỉ có 142 hộ sản xuất, nhưng mỗi năm, làng nghề bánh tráng mỏng Hành Trung đạt doanh thu gần 20 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động địa phương, với thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
“Bánh tráng mỏng được chọn là sản phẩm tham gia Chương trình "mỗi xã một sản phẩm", nên chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhằm nâng cao chất lượng, đổi mới và đa dạng mẫu mã, để tăng giá trị cạnh tranh”, Chủ tịch UBND xã Hành Trung Vũ Lê Vinh cho biết.

Không chỉ đảm bảo chất lượng, đa dạng chủng loại và mẫu mã, mà lợi thế của các sản phẩm nông sản của huyện Nghĩa Hành là đã hình thành được vùng sản xuất tập trung. Trong khi cây ăn quả phát triển với diện tích quy mô 300ha, thì sản phẩm bún và bánh tráng, cây cảnh hay chổi đót cũng đã quy tụ vào làng nghề. Vì vậy, hiện huyện Nghĩa Hành đang tập trung hoàn thiện các thủ tục, gửi Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận thương hiệu tập thể đối với "cây cảnh Hành Đức", "chổi đót Hành Thuận" và "trái cây Nghĩa Hành", nhằm phát triển theo hướng bền vững và nâng cao giá trị gia tăng.
 “Theo phân tích, đánh giá của Viện Nông nghiệp miền Nam, thì hầu hết các sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn huyện đều có tiềm năng lớn, có dư địa và động lực để phát triển, đa dạng hóa sản phẩm và thương mại hóa. Nếu được chú trọng đầu tư, chỉ đạo tổ chức thực hiện một cách cụ thể, bài bản, đồng bộ, thì việc triển khai các nội dung Chương trình OCOP sẽ rất thuận lợi, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng NTM bền vững”.
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành ĐÀM BÀNG
Tận dụng thời cơ và lợi thế

Mục tiêu của hai Chương trình NTM và OCOP là nhằm phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Vì vậy, NTM và OCOP được xem là giải pháp quan trọng, đan xen và hỗ trợ đắc lực cho nhau trong việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và đời sống nông dân.

Bên cạnh việc tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, huyện còn thành lập Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Phước Tín (HTX Phước Tín) quy mô cấp huyện đầu tiên của tỉnh. HTX Phước Tín là “ngôi nhà chung” của 148 thành viên ở hai xã Hành Tín Đông và Hành Phước, tham gia sản xuất và liên kết tiêu thụ các loại nông sản, chủ yếu là các sản phẩm đặc trưng như heo ky, bưởi da xanh, chuối ngự, sầu riêng cơm vàng hạt lép...
Giám đốc HTX Phước Tín Trương Văn Thích cho biết: “Không chỉ sản xuất các sản phẩm, mà HTX Phước Tín sẽ chú trọng liên kết với các doanh nghiệp để quảng bá các sản phẩm có chất lượng tốt ra thị trường, tiến tới hình thành chuỗi liên kết bền vững từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho nông dân”.

Cùng với đó, huyện Nghĩa Hành cũng tập trung triển khai và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển của Chính phủ như: Nghị định số 57 về thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 58 về bảo hiểm nông nghiệp và Nghị định số 55 về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn... để hỗ trợ cũng như nâng cao chất lượng OCOP và xây dựng NTM, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.
Nguồn: NGỌC THẢO / Báo Quảng Ngãi

Bản quyền ©2019 OCOP Tỉnh Quảng Ngãi